Nghề nghiệp thứ hai (Second Career)

 

(March, 2017) Tuần trước, Gary Kolesar, một sinh viên đã tốt nghiệp ba năm trước quay lại Carnegie Mellon để thăm tôi. Vì anh ấy là sinh viên lớn tuổi hơn các sinh viên khác nên tôi đề nghị anh ấy chia sẻ kinh nghiệm của mình cho sinh viên trong lớp của tôi. Sau đây là điều anh ấy nói:
“Khi tôi quay lại trường để theo đuổi bằng thạc sĩ trong trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), tôi không thoải mái chút nào vì đã có bằng cử nhân trong kinh doanh (Business Administration) và mười lăm năm kinh nghiệm làm việc. Cho dù tôi đã có việc làm trong một công ti tài chính nhưng tôi biết rằng lĩnh vực này không có tương lai vì thế giới đã thay đổi. Sớm hay muộn, một số việc làm trong văn phòng sẽ mất đi, và tôi không muốn đợi cho đến lúc đó mới xoay sở thì không kịp nữa. Đó là lí do tại sao tôi quyết định trở lại trường để lấy bằng cấp và kỹ năng mới, thích hợp với thời đại hiện nay hơn. Tôi lập kế hoạch nghề nghiệp thứ hai của mình một cách cẩn thận vì tôi muốn chắc rằng tôi học cái gì có nhu cầu cao trong thời gian dài. Tôi đã chọn Trí thông minh nhân tạo (AI) vì đây là một lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh chóng và trả lương nhiều hơn bất kì nghề nào.
Với người gần bốn mươi tuổi đầu trở về trường là KHÔNG dễ vì bạn không còn trẻ, và có thể không khớp được với những sinh viên đang trong lứa tuổi hai mươi. Tôi đã xem xét rất kỹ các tuỳ chọn khác trước khi quyết định quay lại trường. Dĩ nhiên tôi có thể học các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs.) qua Internet vì đó là chọn lựa tốt, dễ hơn và nhanh hơn. Nhiều môn học trực tuyến ngắn, chỉ vài tuần tới vài tháng. Nếu chịu khó học tập chăm chỉ, tuân theo kỉ luật tự giác, tôi sẽ học tốt. Tôi đã học vài môn trực tuyến từ edX và Coursera và kết luận rằng tất cả mọi người đều có thể học nhiều thứ từ MOOCs. Sau khi hoàn thành một số môn học, họ có được chứng chỉ rồi đi tìm việc làm. Tuy nhiên, MOOCs KHÔNG dành cho tôi. Tôi nghĩ MOOCs là tốt cho những người cần có việc làm nhanh chóng nhưng để phát triển nghề nghiệp trong thời gian dài, nó có thể không phải là giải pháp tốt nhất. Tất nhiên đó là ý kiến riêng của tôi vì tôi biết sẽ có người không đồng ý với tôi.
Tôi quyết định đi theo con đường truyền thống trở lại trường để lấy bằng thạc sĩ tại Carnegie Mellon. Việc này lâu và tốn kém nhiều hơn nhưng đã làm việc nhiều năm, tôi đã tiết kiệm đủ tiền cho giáo dục của tôi. Tôi muốn học mọi thứ với mức độ sâu nhất để chuẩn bị cho nghề nghiệp có thể kéo dài suốt cuộc đời còn lại. Lí do tôi chọn Carnegie Mellon vì nó là trường duy nhất cung cấp chương trình trong Trí thông minh nhân tạo vào thời điểm đó (2014). Sau hai năm học ở đó, tôi đã nhận được bốn đề nghị việc làm ba tháng trước khi tốt nghiệp. Tôi đã chấp nhận đề nghị từ Google. Đến lúc đó, tôi biết rằng tôi đã quyết định đúng là quay lại trường.
Là sinh viên Khoa học máy tính, bạn đã biết rằng phần lớn các chương trình máy tính bắt đầu với ngôn ngữ lập trình và các khái niệm cơ bản. Nhiều sinh viên không thích các khái niệm và lí thuyết nhưng ưa thích học về công nghệ vì chúng liên quan hơn tới điều họ sẽ dùng trong công nghiệp. Nếu bạn đi vào MOOCs, bạn sẽ biết nhiều về công nghệ và cách áp dụng và bạn có thể có được việc làm dễ dàng vì phần lớn các môn học của MOOCs được thiết kế theo cách đó. Chúng giúp bạn học cách áp dụng công nghệ nhanh chóng nhưng KHÔNG cho bạn đủ thời gian để đi sâu hơn vào các khái niệm mà bạn đang dùng. Khi tôi học môn học của MOOCs, tôi có thể làm nhiều thứ nhưng vẫn không hiểu chi tiết. Theo ý kiến tôi, bằng cấp của trường truyền thống hội tụ nhiều hơn vào các lí thuyết và khái niệm nền tảng trong khi các môn học trực tuyến lại được hội tụ nhiều hơn vào các ứng dụng công nghệ. Để có việc làm, MOOCs là đủ tốt nhưng nếu bạn muốn đi xa hơn và sâu hơn, trường học truyền thống là tốt hơn.
Nhiều sinh viên máy tính tin rằng biết lập trình là đủ tốt để có được việc làm. Tất nhiên, phần lớn các việc làm đều yêu cầu kĩ năng lập trình nhưng nếu bạn muốn thăng tiến nghề nghiệp, bạn cần biết nhiều hơn về toán học. Theo ý kiến của tôi, toán là nền tảng cho mọi tính toán, lập luận và logic và để làm việc trong các lĩnh vực Trí thông minh nhân tạo và Học máy (Machine Learning), bạn cần có kĩ năng toán học tốt. Khi còn là sinh viên kinh doanh, tôi không thích toán nhưng khi tôi trở lại trường và học môn “Nhập môn hệ thống máy tính”, giáo sư Vũ đã giải thích: “Không có kĩ năng giỏi trong toán, em không thể phát triển được tư duy tính toán và không có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong AI và Học máy.” Với sự khuyến khích của thầy, tôi đã học thêm vài lớp toán học như đại số tuyến tính, tính toán, toán học rời rạc và thống kế và tôi thấy rằng chúng đã giúp tôi học nhiều khái niệm trừu tượng và cung cấp cho tôi những cách nghĩ mới về vấn đề tôi sẽ phải làm trong công nghiệp.
Để làm việc trong lĩnh vực Trí thông minh nhân tạo (AI), bạn cần kĩ năng lập trình giỏi và hiểu cách phân tích vấn đề, thu thập dữ liệu đúng, cách gán nhãn chúng tương ứng và biết cách mọi thuật giải làm việc. Đây là lí do tại sao tôi nghĩ mọi sinh viên đều phải phát triển những kĩ năng trong tư duy tính toán vì bạn cần hiểu vấn đề mà bạn muốn giải quyết. Không biết rõ vấn đề, bạn sẽ phạm sai lầm và sẽ không có khả năng tìm ra giải pháp. Bạn cần biết mọi khái niệm và lí thuyết về Học máy để bạn có thể lựa chọn thuật giải thích hợp làm mô hình cho giải pháp của bạn vì sẽ có nhiều hơn một giải pháp để giải nhưng bạn cần giải chúng theo cách tốt nhất. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải chia nhỏ vấn đề thành nhiều phần nhỏ để thu hẹp độ phức tạp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải phân rã vấn đề thành nhiều vấn đề nhỏ hơn và giải quyết từng vấn đề mỗi lúc. Giải pháp cho vấn đề này có thể là cái vào (Input) cho mức tiếp và đó là cách bạn đi sâu hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Nếu bạn chỉ cần có việc làm tốt, bằng cử nhân là đủ. Phần lớn các công ti đều tìm thuê người tốt nghiệp có bằng trong lĩnh vực Khoa học máy tính và liên quan. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đi xa hơn để làm việc trong lĩnh vực Học máy và Trí thông minh nhân tạo, bạn cần có bằng thạc sĩ hay bằng Tiến sĩ để đi xa hơn và sâu hơn để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp. Đây là một kỹ năng cần thiết mà bạn có thể sử dụng trong một thời gian lâu dài và thăng tiến nghề nghiệp.

(Theo Nguyen Van Phuoc - FirstNews)

Thư Giáo sư John Vu từ phương xa gửi các bạn trẻ Việt Nam

 


Thế giới hành tinh của ngày mai đang và sẽ khác rất xa ngày hôm nay.
Tuổi trẻ một đời người là quí nhất - đã qua đi không bao giờ trở lại.
Nhưng ở một góc nhìn khác - hãy trẻ trung, rộng mở trong tâm hồn - dù năm tháng thời gian có trôi qua - dù bạn vẫn có thể chưa kịp hiện thực một số việc cần làm.
Bởi vì chỉ có người trẻ và có tâm hồn trẻ mới chịu học hỏi, thay đổi và điều chỉnh mình - người lớn tuổi hay người già trong tâm hồn làm điều đó khó hơn rất nhiều.
“Với nhân cách, tính cách, ý chí mạnh, bạn sẽ có khả năng vượt qua tất cả để làm nên điều lớn lao”.
Các bạn trẻ thân mến, khi nhiều người trong các bạn đang nhìn tới tương lai, bạn nên biết rằng thế giới của tương lai sẽ rất khác với thế giới của ngày nay. (Những biến cố đang diễn ra trên thế giới này từng ngày đã minh chứng cho điều đó).
Cho dù là sinh viên, bạn cần được chuẩn bị để giải quyết với những khác biệt này. Bạn sẽ phải đối diện nhiều vấn đề, nhưng phần lớn vấn đề sẽ không được giải quyết bởi một cá nhân, một công ty, hay thậm chí bởi một quốc gia mà bởi tập thể nhiều người và nhiều nước cùng làm việc với nhau. Tuy nhiên, vào lúc này, tôi không thấy khả năng của điều đó sẽ xảy ra vì cách nhìn của nhiều người vẫn còn giữ cái nhìn cô lập, hạn hẹp.
Một người quản lí cấp cao có lần đã nói với tôi: “Nếu điều đó không xảy ra cho tôi, tôi không phải lo nghĩ về nó.” Nhưng tôi hi vọng rằng là người có giáo dục, bạn và những bạn trẻ thuộc thế hệ của bạn sẽ có cái nhìn khác.
Vấn đề thứ nhất mà nhiều người trong các bạn sẽ phải đối diện là việc phá huỷ môi trường. Mặc dầu nó xảy ra ở mọi nơi, ở mọi nước, nhưng một số nước có vấn đề nghiêm trọng hơn các nước khác. Ngày nay, nhiều con sông, ao, hồ và thậm chí cả đại dương bị ô nhiễm cao bởi các chất phế thải độc hại của các cơ xưởng.
Theo một số khảo cứu, trong vòng mười năm tới, không sinh vật dưới nước nào có thể sống sót được trong loại nước độc này và điều đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lương thực và nạn đói. Một nhà kinh tế nổi tiếng đã cảnh báo: “Các nước có đủ lương thực và nước sạch sẽ kiểm soát thế giới trong thế kỉ 21.”
Chẳng bao lâu thế hệ các bạn sẽ đối diện với những câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu môi trường độc thế và không có nước sạch ? Điều gì sẽ xảy ra nếu đất nước đối diện với nạn đói và khan hiếm lương thực ? Điều gì sẽ xảy ra một khi suy thoái kinh tế toàn cầu phải đến”. Bạn có thể chấp nhận được quan niệm rằng một khi nếu nó chưa xảy ra, bạn không phải lo nghĩ về điều đó phải không ?
Vấn đề thứ hai là mất việc làm do tiến bộ công nghệ. Với các cơ xưởng được tự động hoá đầy đủ và rô bốt thông minh, không chỉ công nhân cơ xưởng sẽ mất việc của họ, mà cả công nhân văn phòng cũng mất việc. Với tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều máy móc đang trở nên thông minh hơn và có thể làm được nhiều điều mà con người không thể hình dung được chúng có thể làm.
Nhiều tháng trước, tại Carnegie Mellon, chúng tôi đã lập trình cho nhiều rô bốt chơi cờ dùng thuật toán thông minh phức tạp. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là các rô bốt học cách lừa lẫn nhau để thắng trò chơi. Trong nhiều năm, rô bốt chỉ làm bất kì cái gì chúng ta lập trình cho chúng làm, nhưng gần đây sau khi chúng tôi thêm các thuật toán “học máy” thì rô bốt có thể nghĩ cho bản thân chúng. Đột nhiên, chúng tôi quan sát thấy rằng nhiều rô bốt bắt đầu cộng tác với robot khác để lừa.
Bây giờ chúng ta đang đối diện với nhiều câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra cho thế giới của chúng ta ? Điều gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo sẽ vượt trí tuệ con người? Điều gì sẽ xảy ra khi rô bốt thông minh hơn con người ?
Trong nhiều năm dạy ở nhiều nước, tôi đã thấy nhiều việc làm biến mất và bị thay thế bởi các qui trình “tự động hoá” nhưng bao nhiêu người chú ý tới vấn đề thất nghiệp cao trong các công nhân lao động và những người có việc làm đang bị thay thế. Cách nhìn của họ là “nếu nó không xảy ra cho họ, họ không lo nghĩ về nó.” Nhưng bao nhiêu người đã thấy hiệu quả tàn phá của thất nghiệp cao trong những thanh niên mà không có hi vọng và không có tương lai ?
Mùa hè năm ngoái, tôi đã có buổi nói chuyện tại cuộc hội nghị giáo dục và đã nêu ra vấn đề này, một người trong các thính giả đã bình luận: “Tại sao ông bận tâm tới vấn đề thất nghiệp trong cuộc hội nghị về giáo dục ? Đó là vấn đề của chính phủ và vấn đề kinh tế, không phải vấn đề giáo dục.”
Tôi trả lời: “Không thưa ngài, nó là vấn đề của chúng ta vì nếu chúng ta không giải quyết vấn đề giáo dục để cung cấp việc làm cho mọi người, chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề của những người không có tương lai, không việc làm, không phương hướng và ông nghĩ những người giận dữ này sẽ làm gì? Ông có thể thấy câu trả lời rõ ràng trong một số nước ở Trung Đông và châu Phi nơi những kẻ cực đoan và kẻ khủng bố đang hoạt động bây giờ. Nếu mọi người không được giáo dục thích hợp về việc bảo vệ môi trường của họ, chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề về nạn đói và bệnh tật lan khắp thế giới. Nếu mọi người không được giáo dục thích hợp để cho họ có thể làm cho việc sống khá lên và chăm nom tới gia đình họ, chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề về các hoạt động chống đối xã hội hay thậm chí những kẻ khủng bố lan rộng từ nước này sang nước khác. Điều này không phải là vấn đề của bất kì nước nào mà là vấn đề của toàn thế giới, và cả hai nguyên nhân và giải pháp là có liên quan tới vấn đề giáo dục.”
Khi tiến bộ của công nghệ bùng nổ khắp thế giới, hệ thống giáo dục phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Nó phải thay đổi từ cách tiếp cận “truyền thụ tri thức” truyền thống sang cách tiếp cận “giải quyết vấn đề”. Hiện thời, chúng ta có nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhưng phần lớn trong chúng sẽ không được đề cập tới bởi cá nhân, bởi công ty hay thậm chí bởi một nước mà bởi tập thể những người và nước làm việc cùng nhau. Để làm điều đó, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ của chúng ta từ cách nhìn cô lập sang cách nhìn tập thể.
Hệ thống giáo dục hiện thời phải thay đổi từ việc tập trung vào cá nhân, nơi học sinh ganh đua với người khác, sang tập trung vào sự cộng tác, nơi họ làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề vì chúng ta đang sống trong thế giới được kết nối, nơi mọi thứ đều có quan hệ.
Bất kể bạn sống ở nước nào hay bạn học lĩnh vực nào, mọi học sinh đều phải trở thành người học cả đời để giữ cho tri thức của họ được cập nhật. Thanh niên phải đọc nhiều hơn, học nhiều hơn, để phát triển tri thức và kĩ năng đúng để sống sót trong thế giới cạnh tranh này. Tuy nhiên, giáo dục không những phải cung cấp tri thức và kĩ năng kĩ thuật mà còn phải tập trung phát triển thế hệ mới với những người tốt nghiệp có tính cách đạo đức và luân lí mạnh.
Trường học phải là nơi phát triển học sinh trong cả kĩ năng và tính cách. Học sinh có tri thức sâu và tính cách mạnh có thể làm lợi cho xã hội và nhân loại, nhưng tính cách đạo đức là quan trọng hơn vì người kĩ thuật mà không có tính cách đạo đức có thể gây hại cho xã hội và đất nước.
Là sinh viên, các bạn cần có phương hướng rõ ràng, động cơ mạnh, và đủ kiên nhẫn để theo đuổi các mục đích giáo dục của bạn. Bao giờ cũng sẽ có những thứ lỗi thời và khó khăn trong bất kì cái gì bạn làm, nhưng với tính cách đạo đức mạnh, bạn sẽ có khả năng vượt qua tất cả để làm điều lớn lao. Chỉ bằng việc đạt tới điều đó, bạn sẽ không làm thất vọng gia đình bạn và mọi thầy cô những người đã nuôi dưỡng và giáo dục bạn. Vì bạn là tương lai của đất nước, tôi muốn dành cho bạn đôi lời khuyên:
1) Học cách nói ít đi, bớt phản ứng nhanh và lắng nghe, phân tích nhiều hơn thì bạn sẽ học được và trưởng thành nhiều hơn.
2) Học cách đặt câu hỏi khác đi để có thể hiểu mọi thứ sâu sắc hơn.
3) Học nghĩ theo góc nhìn và hoàn cảnh của người khác, để bạn có thể hiểu họ và biết cảm thông với họ.
4) Học cách sống đúng với chính mình, thực thà và chân thực với bản thân.
5) Học cách giúp đỡ, khi bạn giúp người khác, trái tim chúng ta sẽ rộng mở hơn vì bạn có thể làm cho người khác và bản thân bạn hạnh phúc hơn. Giúp người hay trao tặng sẽ mang đến niềm vui thực sự cho cả người trao lẫn người nhận.
5) KHÔNG sống gấp, vội vàng, mà hãy nắm bắt “khoảnh khắc” để khám phá, tận hưởng “niềm vui cuộc sống.”
Không vội vàng, băng quá nhanh hay lệ thuộc vào các thứ trong cái smartphone sẽ cho phép bạn cảm nhận được điều kì diệu vốn rất đẹp của vạn vật trong đời chúng ta như ngắm cây xanh, nhìn hoa nở, tận hưởng trăng tròn, vẻ đẹp của bình mình, hoàng hôn.
Qua việc cảm nhận sâu sắc như thế về tự nhiên, chúng ta sẽ dần dần trở nên đích thực với chính mình hơn. Một khi bạn trở nên đích thực với chính mình hơn - bạn sẽ có khả năng xây dựng cuộc sống kì diệu với nhiều cảm hứng niềm vui và ít hối tiếc, khổ đau hơn rất nhiều”.
- Giáo sư John Vu.
PS. Tương lai ngày mai của bạn phụ thuộc rất nhiều suy nghĩ, ứng xử và việc làm của bạn ngày hôm nay. Điều này đúng cả góc độ nhân quả và khoa học.

(Theo Nguyen Van Phuoc - FirstNews)


Đọc 9 câu chuyện này và rút ra bài học cho bản thân

1. Bài học số 1

Bạn tôi ưng ý một chiếc máy tính, cần khoảng 30 triệu, thu nhập mỗi tháng của cậu ta chỉ có 7 triệu.
Vợ cậu ta nói với cậu ta rằng: “Anh điên rồi, anh mà mua thì chúng ta sẽ ly hôn”.
Cậu ta hỏi tôi phải làm sao. Tôi nói: “Cậu không xứng với chiếc máy tính kia, đến thứ mà mình thích cũng không có dũng khí đi giành lấy, thì sau này cậu định lăn lộn trong xã hội thế nào?”.
Cậu ta cắn răng mua chiếc máy tính kia. Để trả nợ, cậu ta bắt đầu tìm một số công việc làm thêm. Cuối cùng, cậu ta đã trả hết nợ trong vòng một tháng. Vợ cậu ta không vì sự điên cuồng của cậu ta mà bỏ cậu ta. Cô ta dẫn cậu ta vào một siêu thị xe, nói: “Ông xã, chúng ta mua trả góp chiếc xe BMW này nhé”. Ban đầu cậu ta giật nảy mình, tưởng vợ mình điên. Một năm sau, cậu ta đã trả được hết khoản tiền của chiếc xe đó.
Kết luận: Đến vật và người mà mình thích bạn cũng không có dũng khí giành lấy, vậy thì bạn đã được định trước là một kẻ thất bại.



2. Bài học số 2

Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào nó, đã bị nó chích vào tay. Vị thiền sư không sợ hãi, lại một lần nữa ra tay, lần này ông lại bị chích. Người bên cạnh nói: “Nó lúc nào chẳng chích người, hà tất phải cứu nó?”. Vị thiền sư đáp: “Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của tôi, sao tôi có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của tôi?”.
Kết luận: Lỗi sai của chúng ta nằm ở chỗ, bởi vì đám đông mà thay đổi bản thân.



3. Bài học số 3

Có người hỏi một người nông dân: “Có trồng lúa mạch không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ trời sẽ không mưa”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh có trồng cây bông không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ sâu sẽ ăn nó mất”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh trồng gì?”.
Người nông dân đáp: “Không trồng gì cả, tôi muốn an toàn”.
Kết luận: Một người không tình nguyện bỏ ra, không tình nguyện mạo hiểm, thì “không làm nên trò trống gì” đối với anh ta mà nói là chuyện quá hiển nhiên.



4. Bài học số 4

Ba người ra khỏi nhà, một người mang ô, một người mang gậy chống, một người đi tay không. Khi quay trở về, người cầm ô quần áo ướt sũng, người cầm gậy chống bị ngã, người thứ ba bình an vô sự. Thì ra, người có ô khi trời mưa đã bước đi mạnh bạo, cuối cùng bị ướt.
Khi đi chỗ đường trơn, người chống gậy cậy mình có gậy nên đi nhanh, kết quả chốc chốc lại bị ngã. Người đi tay không, khi trời đổ mưa, anh ta trú, khi thấy đường trơn trượt, anh ta đi cẩn thận, ngược lại lại bình yên vô sự.
Kết luận: Đôi khi, không phải là chúng ta thất bại vì khiếm khuyết của chúng ta, mà là thất bại vì ưu thế của chúng ta.



5. Bài học số 5

Một tiểu hòa thượng phụ trách quét dọn lá rơi trong chùa, mỗi ngày phải tốn rất nhiều thời gian mới quét xong. Có người nói với cậu rằng: “Trước khi quét dọn cậu hãy dùng sức rung cây cho lá rụng hết, sau đó hẵng quét, như vậy ngày mai sẽ không cần phải quét nữa”.
Tiểu hòa thượng cảm thấy có lý, vui vẻ làm theo, thế nhưng ngày hôm sau, lá vẫn rơi đầy sân chùa.
Kết luận: Bất luận hôm nay bạn có nỗ lực thế nào, thì ngày mai lá vẫn rơi. Dục tốc bất đạt, làm tốt chuyện của ngày hôm nay, chính là có trách nhiệm với cuộc đời của mình.



6. Bài học số 6

Một con quạ trong chuyến bay của mình đã gặp một con chim bồ câu đang trên đường về nhà. Con chim bồ câu hỏi: “Cậu muốn bay đi đâu thế?”.
Con quạ trả lời: “Thực ra tôi không muốn đi, nhưng mọi người đều chê tiếng kêu của tôi không hay, cho nên tôi muốn rời khỏi đây”.
Con chim bồ câu nói với con quạ: “Đừng phí công vô ích nữa! Nếu cậu không thay đổi giọng nói của mình, thì dù cậu có bay đến đâu đi chăng nữa cũng không được chào đón đâu”.
Kết luận: Nếu bạn hy vọng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, vậy hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân mình.



7. Bài học số 7

Một nhà có ba người con trai, họ trưởng thành trong những trận cãi vã không ngừng của cha mẹ, mẹ của họ lúc nào cũng bị cha họ đánh đập thương tích đầy mình.
Người con cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối tốt với vợ mình hơn.
Người con thứ hai nghĩ: Kết hôn thật chẳng có nghĩa lý gì, sau này mình lớn lên chắc chắn sẽ không lấy vợ!
Người con thứ ba nghĩ: Thì ra, chồng có thể đánh đập vợ như vậy!
Kết luận: Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau, sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.



8. Bài học số 8

Ở một thị trấn nhỏ, có một vị thương nhân đến mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở một nhà hàng. Người thứ ba đến, mở một siêu thị. Thị trấn này chẳng mấy chốc đã trở nên sầm uất, phồn hoa.
Ở một thị trấn khác, một thương nhân mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở trạm xăng dầu thứ hai. Người thứ ba đến, mở trạm xăng dầu thứ ba. Chuyện làm ăn không phát đạt như họ tưởng.
Kết luận: Cứ một mực đi theo con đường của người khác, tất sẽ thất bại.



9. Bài học số 9

Anh A đi xe đạp, hai chân gắng sức đạp, 1 tiếng đồng hồ chỉ có thể đi được quãng đường khoảng 10 km.
Anh A lái xe ô tô, một chân nhấn vào ga, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 100 km.
Anh A ngồi tàu cao tốc, nhắm mắt lại, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 300 km.
Anh A ngồi máy bay, ăn đồ ăn ngon, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 1000 km.
Kết luận: Cùng một người, cùng sự cố gắng, nhưng khác nhau ở bệ phóng, kết quả sẽ khác nhau.



(ST)

Triết lý ‘Con Gián’: Đừng ảo tưởng mình mạnh nhất tài giỏi nhất, người biết thích nghi mới là kẻ sống sót sau cùng!

Có một loài vật xuất hiện trước cả khủng long và vẫn tồn tại đến ngày nay – Gián. Chúng sống ở khắp mọi nơi, từ toilet tới tủ giày, tủ quần áo… Và chúng là minh chứng của triết lý: Không phải kẻ mạnh hay kẻ giỏi sẽ là kẻ chiến thắng. Người biết thích nghi mới là kẻ sống sót cuối cùng.




Khủng long xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp (231,4 triệu năm trước) và là nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt hơn 165,4 triệu năm cho đến khi bị tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước).
Một chuyện khá thú vị là Gián – một loài côn trùng xuất hiện vào kỷ Than Đá, khoảng 354–295 triệu năm trước đây, tức trước cả trăm triệu năm so với khủng long – vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
“Chúng tồn tại được đến ngày nay bởi chúng thích ứng rất giỏi. Chúng sống ở mọi nơi, từ toilet tới tủ giày, tủ quần áo… đâu cũng sống được”.
Không phải kẻ mạnh, hay kẻ thông minh, tài giỏi hơn sẽ là kẻ sống sót, mà là người nào biết thích nghi tốt nhất sẽ sống được. Thích nghi = Sống sót/Thành công”, ông Adrian Toh - Chuyên gia Phát triển tiềm năng Lãnh đạo đến từ Singapore – cho biết trong hội thảo “Khôi phục cảm xúc – chìa khóa tự phục hồi trong công việc” do Growth Catalyst Vietnam tổ chức.
Đồng hồ Thụy Sĩ, Nokia, Motorola – những “bá chủ” thế giới phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại
Đồng hồ Thụy Sĩ từng chiếm tới 50% thị phần đồng hồ thế giới.

Trên thế giới, nhiều kẻ “bá chủ” đã phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại.
Đồng hồ Thụy Sĩ từng chiếm tới 50% thị phần đồng hồ thế giới vào thập niên 70s. Nhưng với sự ra đời của đồng hồ điện tử, thị phần của đồng hồ Thụy Sĩ ngày nay chỉ còn 2%.
Trong lĩnh vực điện thoại, Motorola từng là số 1, nhưng đã bị Nokia đá ra khỏi thị trường với game gây nghiện “Rắn săn mồi”.
Nhưng đến lượt Nokia, hãng điện thoại này cũng buộc phải lép vế so với Apple và Samsung, dẫn đến kết cục phải bán mình cho Microsoft.
“Câu chuyện thất bại của họ rất đơn giản. Đó là khả năng thích nghi. Họ không biết cách thích nghi, rơi vào bế tắc và mất luôn thị phần. Thế giới đang thay đổi rất nhiều. Khả năng để thích nghi là yếu tố then chốt trong bất kể doanh nghiệp nào. Bạn chỉ có thể lựa chọn Thích nghi hay là Chết”, ông Adrian nói.
Còn nhớ, trong suốt buổi họp mặt truyền thông nhằm công bố tin Nokia sẽ chính thức được bán lại cho Microsoft, CEO Rajeev Suri của Nokia đã chia sẻ trong nghẹn ngào: “Chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng biết phải làm sao, chúng tôi đã thất bại". Cả tập thể những nhân viên ngồi phía dưới lặng lẽ cúi mặt xuống và khóc theo.
“Ông ấy đã nói sai”, chuyên gia Adrian phân tích.
Đáng ra ông ấy phải nói là ‘Chúng tôi không làm gì đúng thì mới chết’. Trong thời đại ngày nay, bạn không thay đổi đủ nhanh sẽ chết, chứ không nhất thiết bạn phải làm gì sai mới chết. Chỉ cần bạn đứng yên một chỗ, không cải tiến tất sẽ mất thị phần về tay các tân binh. Câu chuyện thành công là câu chuyện Thích ứng và Thay đổi”.
Sự thích ứng, ông Adrian ví von như một cái cây cao trên đồng cỏ. Giữa một cánh đồng mênh mông và trống trải, cái cây cứ quyết định lớn nhanh, lớn nhanh, lớn nhanh… thì tất sẽ gãy khi có gió lớn.
“Chúng ta cũng giống như cây cỏ, phải thích nghi theo môi trường, bởi thích nghi được sẽ sống. Kẻ sống sót cuối cùng mới là kẻ chiến thắng”, ông Adrian nói.

Chuyện con ruồi và ô cửa kính: Nỗ lực thôi là chưa đủ, đôi khi thành công cần tới sự thay đổi không ngờ

Trong cuộc sống nỗ lực là điều bất cứ ai cũng có, dù ít hay nhiều. Nhưng không phải ai cũng biết, ngoài nỗ lực cần có sự thay đổi để thích nghi với môi trường thì mới có thể thành công được.



Có một con ruồi nhỏ bị giam trong một căn phòng kín bao vây bởi những ô cửa kính. Ruồi tìm mọi cách đập vào cửa kính để tìm lối thoát ra nhưng vô vọng.


Với nỗ lực và lòng kiên trì, ruồi nghĩ rằng “Nếu như không đạt được một điều gì đó thì đơn giản là cần phải tập trung nhiều sức lực vào nó hơn”. Vậy là ruồi ta tiếp tục quăng cả thân mình vào cửa kính với hy vọng có thể vượt qua chướng ngại vật và tìm được tự do.
Tuy nhiên, nỗ lực điên cuồng thì chẳng đem lại điều gì cả. Một con ruồi nhỏ bé dù có nỗ lực đến đâu đi chẳng nữa cũng không thể làm vỡ cửa kính cứng rắn kia được. Ruồi biết điều đó, nhưng nó bế tắc bởi không làm được gì khác, và nó quyết định lao đầu vào làm điều vô vọng.
Kết quả là sau bao nỗ lực, ruồi vẫn rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Nó tìm thấy nơi trú ẩn cuối cùng trên bậu cửa sổ.
Có một điều mà con ruồi hoàn toàn không biết đó là cách cửa sổ mười bước chân, ở một góc của căn phòng, cửa ra vào vẫn mở. Ruồi chỉ mất khoảng vài giây để bay qua đó, len qua khe cửa và trốn thoát ra ngoài. Việc này đòi hỏi một phần nghìn nỗ lực mà con ruồi đã bỏ ra để làm vỡ kính cửa sổ.
Tự do ở đó, lối thoát ngay bên cạch, chỉ dễ dàng thế thôi. Nhưng tại sao ruồi không tìm được?
Tại sao ruồi lại bị thuyết phục bởi ý kiến cho rằng chính lối thoát đó sẽ mang đến khả năng đạt được sự tự do mà nó khao khát?
Tại sao con ruồi nhỏ bé lại quyết tâm dồn tất cả sức lực của mình vào con đường ấy? Vì sao nó cố đâm vào tấm kính đến hơi thở cuối cùng mà không thử thay đổi chiến thuật một lần?

Tất nhiên, đây là cách thức của con ruồi và hoàn toàn logic với chiến thuật của nó. Ruồi bị đóng đinh bởi suy nghĩ rằng cứ nỗ lực hết mình thì sẽ có được thành công, dù việc khó đến đâu đi chăng nữa.
Con ruồi không biết rằng, yếu tố quyết định thành công còn có môi trường và những cơ hội. Việc thay đổi để thích nghi với môi trường hay chớp lấy cơ hội mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải nỗ lực điên cuồng và mù quáng.
Trong cuộc sống cũng vậy, nỗ lực là điều tất cả chúng ta đều có, dù ít hay nhiều. Ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn có một công việc ổn định và kiếm thật nhiều tiền. Và tất nhiên, ai cũng nỗ lực để thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng không phải ai cũng biết, ngoài nỗ lực cần có sự thay đổi để thích nghi với môi trường thì mới có thể thành công được.
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang bước đi trên con đường mà chính các bạn cũng lờ mờ nhận ra nó sẽ không đưa bạn đến cái đích mình muốn.
Thế nhưng, các bạn vẫn bước, vẫn cố chấp đi vào ngõ cụt bởi vì các bạn đi theo xu hướng của đám đông, các bạn sợ mình sẽ thua thiệt nếu không làm theo cách mà mọi người vẫn đang làm. Vô hình chung, bạn biến thành người sống để đeo đuổi giấc mơ và đam mê của người khác.
Để hiểu rõ hơn về điều này, bạn có thể nhìn vào cuộc đời “huyền thoại” Steve Jobs để thấy ông đã thay đổi và thích nghi như thế nào.


Năm 30 tuổi, Jobs bị Apple - công ty do chính mình sáng lập sa thải. “Tôi đã bị sa thải, thậm chí còn bị họ công khai chỉ trích” – Jobs chia sẻ.
Năm 1985, trong giai đoạn khủng hoảng tuổi 30, Jobs từng băn khoăn tự hỏi liệu mình nên tham gia vào chính trị hay trở thành một phi hành gia hay không? Tuy nhiên sau đó, ông tiếp tục thay đổi chiến thuật và sáng lập nên công ty máy tính NeXT.
Gần một thập kỷ sau đó, Steve Jobs quay trở lại Apple và mang đến cuộc cách mạng mới cho các sản phẩm iPod, iPhone, và iPad nhờ sự sáng tạo và thích nghi không ngừng nghỉ.
Trong một lần phát biểu trước các sinh viên đại học Stanford, Jobs cho biết: “Tôi từng không nhận ra nhưng chính việc bị Apple sa thải đã tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Trở ngại của thành công được thay thế bằng ánh sáng khi bạn nhìn thấy một con đường mới và thay đổi để thích nghi với nó. Tôi đã được tự do để thỏa sức sáng tạo trong suốt cuộc đời mình”.